
Thử ngay 10 thủ thuật hiệu quả nhất để tăng tốc độ Wifi trong nhà.
10 thủ thuật hiệu quả nhất để tăng tốc độ WIFI trong nhà
Trong thời đại kỹ thuật số, Wifi (viết tắt của Wireles Fidelity) là một công cụ vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong công việc cũng như giải trí.
Wifi là một loại công nghệ mạng không dây được sử dụng để kết nối với Internet. Các tần số mà Wifi hoạt động là 2,4Ghz hoặc 5Ghz, đảm bảo không bị nhiễu sóng di động, đài phát sóng, ăng-ten TV và radio hai chiều trong quá trình truyền.
Về cơ bản, Wifi chỉ là sóng vô tuyến được phát từ bộ định tuyến Wifi, một thiết bị phát hiện và giải mã sóng, sau đó gửi dữ liệu trở lại bộ định tuyến. Nó hoạt động rất giống với đài AM/ FM nhưng là kênh giao tiếp hai chiều. Wifi hoạt động ở khoảng cách xa hơn bluetooth hoặc hồng ngoại.
Wifi cho phép các thiết bị như máy tính (xách tay và để bàn), thiết bị di động thông minh và các thiết bị khác (máy in, máy quay,…) “giao tiếp” với Internet và các thiết bị này cũng như nhiều thiết bị khác trao đổi thông tin với nhau qua mạng Wifi. Tuy nhiên đôi lúc việc kết nối không phải lúc nào cũng ổn định do những nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như máy tính bị nhiễm virus, thiết bị modem bị lỗi, đường truyền Internet gặp sự cố, hay có quá nhiều người truy cập mạng cùng một lúc.
Dưới đây, Duylinhcomputer xin chia sẻ tới các bạn 10 gợi ý giúp tăng tốc độ, cải thiện tín hiệu đường truyền Wifi một cách nhanh chóng và dễ dàng.
1. Đặt router ở vị trí thích hợp nhất.
Vị trí của router trong nhà rất quan trọng. Vị trí lý tưởng là đặt router càng gần trung tâm ngôi nhà bạn càng tốt. Khu vực trống trải, thoáng đãng với tầm nhìn tối đa. Mặc dù tín hiệu không dây có thể truyền qua tường, nhưng càng nhiều lớp tường, cửa ra vào hay các vật cản khác như tủ lạnh, bể cá, các vật liệu làm từ kim loại, bê tông, xi măng,… sẽ làm nhiễu tín hiệu đường truyền.
Nên đặt ở vị trí trên cao bởi sóng Wifi có xu hướng phát xuống phía dưới. Ví dụ như trên cửa sổ, trên giá treo tường… Tránh để dưới sàn nhà và vị trí thấp để giúp cho độ phủ sóng xa hơn.
2. Ưu tiên vị trí gần bạn nhất.
Hãy đặt router ở nơi gần với bạn nhất. Càng gần vị trí bạn sử dụng thì Wifi sẽ cho tốc độ đường truyền nhanh và mạnh nhất.
3. Tránh xa các thiết bị điện tử.
Hầu hết chúng ta thường hay để bộ router gần các thiết bị như TV và điện thoại. Thế nhưng, chính điều này lại vô tình làm hạn chế tín hiệu Wifi. Tốt nhất nên đặt router tránh xa các thiết bị như loa, màn hình TV, dây nguồn, v.v… để tốc độ đường truyền được hoạt động mạnh nhất.
4. Định vị lại các vị trí ăng-ten.
Nếu router có hai ăng-ten bên ngoài hãy thử đặt chúng vuông góc với nhau. Một ăng-ten hướng theo chiều dọc và một hướng theo chiều ngang. Router và thiết bị sẽ được tối ưu hóa khi bộ thu – phát hoạt động trên cùng một mặt phẳng. Hai ăng-ten khi được đặt vuông góc đảm bảo khả năng thu sóng không dây được tối đa.
Nếu router chỉ có một ăng-ten, hãy thử định vị chúng (hoặc toàn bộ router) theo chiều dọc hoặc chiều ngang để xem vị trí này có hoạt động tốt hơn vị trí kia hay không.
5. Sử dụng Powerline adapters.
Nếu nhà bạn nhiều tầng, nhiều phòng và không có cách nào để đặt router ở vị trí trung tâm thì giải pháp tốt nhất là sử dụng thiết bị truyền Internet qua hệ thống điện gia dụng trong nhà – Powerline adapters.
Powerline adapters hoạt động hầu hết trong các công trình hiện đại bằng cách sử dụng hệ thống đường dây điện có trong nhà. Cắm adapters gần router của bạn và kết nối với nó qua cáp Ethernet. Cắm adapters thứ hai trong phòng hoặc khu vực bạn muốn phủ sóng. Từ đó bạn có thể sử dụng cáp Ethernet khác để kết nối trực tiếp vào thiết bị của mình hoặc vào cổng Internet trên router thứ hai.
6. Thiết lập bảo mật không dây.
Hãy lưu ý đến vấn đề bảo mật khi thiết lập mạng không dây. Nếu không được bảo mật, vừa là cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu muốn đánh cắp thông tin, vừa khiến giảm tốc độ băng thông khi bạn xem phim, phát video trực tuyến hay tải các tệp dung lượng lớn.
Đăng nhập vào trang quản trị của router bằng cách điều hướng đến địa chỉ IP của bộ định tuyến trong trình duyệt Web, sau đó sử dụng thông tin đăng nhập mặc định để đăng nhập. Thường ở mặt sau của router hoặc ở trong hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Chọn WPA2 làm phương thức mã hóa và chọn một cụm từ mật khẩu mà bạn dễ nhớ. Chỉ chia sẻ mật khẩu này với những người bạn tin tưởng cho phép sử dụng mạng của mình
7. Sử dụng phần mềm bản đồ nhiệt (Wifi-Heatmapping) hoặc các ứng dụng kiểm tra sóng Wifi trên điện thoại.
Phần mềm Wifi-Heatmapping sẽ hiển thị bản đồ nhiệt không dây của nhà bạn trông như thế nào và cho phép bạn xem mức độ phủ sóng của Wifi trong nhà. Sau khi xác định được mức độ phủ sóng này, bạn có thể định vị lại router, ăng-ten hoặc Powerline adapter trong nhà sao cho hợp lý nhất với nhu cầu sử dụng.
Một cách khác, bạn có thể tải 1 trong 2 phần mềm Amped Wifi Analytics trên máy tính và điện thoại Android hoặc ứng dụng Cloudcheck trên điện thoại iPhone để dò tìm, thống kê tín hiệu Wifi và đưa ra gợi ý đặt router ở vị trí nào là tốt nhất.
8. Chuyển sang 5GHz.
Một vấn đề mà bạn có thể chưa từng xem xét trước đây là tần suất router hoạt động. Nếu trong nhà bạn có rất nhiều thiết bị điện tử thì phổ tần 2,4HGz sẽ trở nên “dày đặc”. Ví dụ như các thiết bị bluetooth, thiết bị ngoại vi không dây, v.v… Vậy để giảm thiểu tiếng ồn và hiện tượng rớt mạng hãy cân nhắc chuyển bộ định tuyến sang 5GHz.
9. Thay mới router của bạn.
Nếu bạn đang phải trả tiền cho Internet tốc độ cao nhưng lại cảm thấy không xứng đáng với những gì bạn bỏ ra, lúc này hãy suy nghĩ đến việc thay thế phần cứng. Nếu đã vài năm kể từ lúc bạn mua router thì cũng đến lúc bạn nâng cấp cho nó.
Cách đơn giản nhất để xem router có phải là “thủ phạm” hay không là tra cứu số máy và so sánh thông số kỹ thuật của nó với thông số kỹ thuật của gói Internet từ nhà mạng của bạn.
10. Liên hệ với nhà mạng.
Trong rất nhiều trường hợp, tốc độ Wifi bị chậm không đến từ sự cố phần cứng hay vị trí đặt router không phù hợp mà lỗi thuộc về nhà cung ứng mạng. Có thể nhà mạng đang bảo trì hay bị đứt cáp quang, v.v… Hãy gọi điện lên tổng đài để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ sự cố. Nhưng trước tiên, để chắc chắn lỗi thuộc về nhà mạng, hãy truy cập http://speedtest.net để kiểm tra tốc độ đường truyền.
>>> Tìm hiểu thêm mẹo chọn mua ổ cứng cực hay TẠI ĐÂY